• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Chương 04

0 Bình luận - Độ dài: 3,320 từ - Cập nhật:

XÂY NHÀ

Việc thứ tám chúng ta có thể làm khi trời nổi gió là xây một ngôi nhà.

Những ngày đầu đến Trung tâm bảo trợ xã hội, đa phần thời gian tôi đều ở trong trạng thái ủ rũ. Nơi đây chẳng có chỗ nào để chơi, không có phòng riêng và không được thoải mái như hồi còn ở nhà cũ.

Mẹ tôi lúc nào cũng làm việc trong phòng trực. Mẹ là một trong những y tá quan trọng của nơi này. Những người còn lại đa số đều là nhân viên chăm sóc và hỗ trợ những việc liên quan đến sinh hoạt thường nhật cho các bạn nhỏ, còn mẹ tôi chủ yếu vẫn làm đúng chuyên môn của bà là giúp đỡ kiểm tra bệnh tình và tình trạng sức khoẻ của các bạn.

Đừng nghĩ rằng nếu chỗ ở và chỗ làm việc nằm trong cùng một nơi thì tôi và mẹ sẽ được gần nhau mọi lúc, không phải như vậy đâu, tôi rất hạn chế chạy qua gặp mẹ khi bà đang trong giờ trực. Những khi ấy, mẹ mặc trên người bộ đồng phục y tá và tôi cảm thấy sợ sự nghiêm túc của bà, dù biết nỗi sợ đó thật vô nghĩa.

Anh Lam biết tôi vẫn chưa làm quen được với nơi ở mới nên thường bắt chuyện với tôi. Đó là một người phụ bếp trẻ, cao to và tuy hơi gầy nhưng anh vẫn có chút cơ bắp. Anh bảo khi nào lớn tôi cũng sẽ có cơ bắp như anh, nếu tôi chịu ăn uống đầy đủ và chăm chỉ vận động.

“Em vẫn chưa quen được với chỗ này à?” Anh hỏi khi thấy tôi bí xị mặt mày ngồi ở băng ghế đá bên ngoài sân vườn.

“Không phải đâu ạ.” Tôi lắc đầu.

Chuyện khônb phải do tôi chưa quen được với cuộc sống mới. Tôi đang bực bội vì một lý do khác.

“Em không có phòng riêng nên phải ngủ chung với mẹ, bất tiện lắm.”

Tôi kể với anh.

Tôi từng có một căn phòng riêng, trong đó chỉ có đồ đạc của tôi và tôi có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn. Đối với một đứa trẻ, căn phòng riêng rất quan trọng bởi vì ở tuổi nào cũng đều cần có sự riêng tư, cần một nơi thuộc về mình. Nhưng từ khi đến đây, tôi và mẹ phải ở chung một phòng và tất cả đồ đạc điều được mang vào để cả trong đấy. Chưa kể, tuy gọi đó là ngôi nhà của chúng tôi nhưng thực chất nó vẫn chỉ là một căn phòng ngủ. Từ ngôi nhà rộng rãi khi trước, bây giờ chúng tôi phải ở trong một căn phòng nhỏ xíu.

“Nó còn chẳng thể nào gọi là một ngôi nhà được.” Tôi khẳng định với anh.

Tuy rất gần gũi với mẹ nhưng việc không có phòng riêng vẫn khiến tôi có cảm giác mình đã bị tước mất một thứ gì đó cực kỳ cơ bản trong cuộc sống, giống như ăn uống, hít thở hay ngủ nghỉ vậy. Đối với một đứa trẻ thì không gian riêng quan trọng như thế đấy, dù người lớn luôn bảo trẻ con thì cần gì riêng tư. Với người khác, riêng tư là một đòi hỏi thừa thãi và quá đáng của một đứa trẻ, tuy nhiên lại có những đứa trẻ rất thiếu thoải mái khi không có một căn phòng của riêng mình.

Anh Lam nghe tôi nói vậy thì xoa cằm suy nghĩ một lúc, rồi anh vỗ đùi, đưa ra một phương án:

“Vậy thì đơn giản thôi, em tự xây cho mình một ngôi nhà riêng là được!”

Tất cả chính là lý do xuất hiện điều thứ tám trong danh sách này, đó là xây một ngôi nhà.

Nhưng xây một ngôi nhà cho riêng mình là công việc vô cùng khó khăn, kể cả là đối với người lớn. Có một căn nhà cho riêng mình thì kể cũng vui đấy nhưng làm sao để một đứa trẻ như tôi có thể tạo ra nó được đây?

“Sao em có thể xây một ngôi nhà được chứ!” Tôi nói với anh Lam, vì biết thừa rằng đó là một ý tưởng bất khả thi.

“Không khó đâu em.” Anh phất tay, “Em là trẻ con thì chỉ cần xây một ngôi nhà trẻ con là được, miễn sao nơi ấy là của riêng em và không ai có thể xâm phạm. Còn dùng gì để xây thì không khó để kiếm ra đâu!”

Tôi được biết rằng xây một ngôi nhà cho riêng mình thật đơn giản khi bạn là một đứa trẻ. Không cần gạch vữa hay xi măng gì cả. Mọi thứ đều có thể thay bằng những vật liệu khác. Ngôi nhà của một đứa trẻ chỉ đơn giản là nơi thuộc về chúng, chia tách với bên ngoài bằng một cái chăn được căng lên, một vài cái gối chồng lên nhau, bên ngoài có gấu bông canh giữ và bên trong là những món đồ thuộc về riêng mình.

Thế là, tôi cùng anh Lam bắt tay vào xây dựng một ngôi nhà cho riêng tôi, ngay trong căn phòng của tôi và mẹ.

Tôi dùng một tấm chăn cũ làm mái nhà, trải một tấm nệm ở dưới đất, phần khó là chẳng có thứ gì đủ vững để dựng cột lên. Tôi và anh Lam phải hỏi xin bà Bếp xem có thứ gì bỏ đi có thể dùng được không.

Chúng tôi xin được trong nhà kho một thanh nhôm và một cây gậy gỗ.

Thanh nhôm là một phần từ một chiếc sào phơi đồ cũ bị hỏng, bà Bếp bảo nếu dùng những thanh kim loại nặng sẽ rất nguy hiểm nên tốt nhất là nên dùng một thanh nhôm vừa mỏng vừa nhẹ sẽ an toàn hơn. Cây gậy gỗ còn lại thật ra là một chiếc chân bàn cũ, thứ này thì có vẻ khá nguy hiểm.

Cây gậy gỗ nhỏ vừa bằng cánh tay tôi. Anh Lam gỡ khúc đinh vẫn còn dính trên đấy ra bằng một chiếc búa. Nhưng anh nói hai món đồ này vẫn có hơi nguy hiểm nếu khi dựng lên chúng bất chợt đổ xuống. Có thể chúng không nguy hiểm đến mức khiến tôi bị thương nhưng nếu trúng người vẫn sẽ rất đau.

Thế là anh Lam và tôi phải lục xem còn gì có thể dùng để đảm bảo an toàn hay không.

Chúng tôi quay lại bếp thì thấy chị Thảo đang đứng trong đấy. Anh ló mặt vào, kêu chị:

“Cô Thảo đang làm gì thế, giúp tôi cái này được không?”

Chị nhìn anh, không biết vì sao mà trông chị có vẻ giận, chị định vẩu môi nói gì đó thì chợt nhận ra tôi cũng ló mặt vào cùng với anh Lam. Hai anh em chúng tôi như hai con thạch sùng bám trên tường cứ thập thò nhìn chị. Chị dịu giọng hỏi:

“Hai anh em lại muốn bày trò gì?”

“Anh Lam đang giúp em xây nhà, tụi em định dùng mấy cây này nhưng anh ấy nói nó hơi đáng sợ.” Tôi giơ thanh nhôm trên tay mình lên cho chị xem, cùng lúc ấy, anh Lam cũng đưa thanh gỗ đang cầm lên. “Chị có gì bọc nó lại không chị?”

Chị Thảo gật đầu với tôi:

“Để chị xem thử nhé!” Đoạn, chị còn liếc xéo anh Lam, “Lớn đầu còn chơi với con nít.”

Anh Lam nghe vậy chỉ cười cười, không đáp trả gì.

Chị Thảo hình như không thích anh Lam cho lắm, dù hai người họ đều là người phụ bếp cho bà Bếp. Tôi biết điều đó mỗi khi chị nói chuyện với anh. Anh Lam bảo chị Thảo ngoa ngoắt lắm, còn hung dữ nữa. Nhưng đối với tôi chị lại rất hiền, nên trong cả hai người họ tôi không đứng về phe ai.

Tôi nghĩ, cứ để họ như vậy cũng không sao, bà Bếp sẽ có cách hoà giải họ, tuy sự thật là tôi cũng chẳng thấy bà Bếp có ý định hoà giải gì cả.

Nhưng thôi tạm gác vấn đề mâu thuẫn của những người lớn qua một bên, tôi đã nhận được từ chị Thảo một cuộn nilon chống sốc. Đó là một cuộn nilon có những hạt khí nhỏ, khi bóp vào chúng sẽ nổ lép bép, tôi thường chơi với chúng mỗi khi mẹ mua hàng và tháo chúng ra khỏi bao bì đưa cho tôi. Nhưng cuộn chống sốc này lại không dùng để chơi theo cách ấy được vì tôi phải để dành nó cho ngôi nhà.

“Còn một ít đây em cứ dùng đi, chị sẽ thay cái mới!” Chị Thảo đưa nó cho tôi kèm một nụ cười.

“Để bữa nào đi mua đồ tôi sẽ ghé siêu thị mua thêm.”

Anh Lam nói với chị như vậy và huơ cây gậy trên tay như một lời chào. Tôi cũng làm theo anh, huơ thanh nhôm lên với chị. Đó là cử chỉ giống như vẫy tay tạm biệt, tôi đoán là chị Thảo cũng biết.

Nhưng chị chỉ bĩu môi, nói, “Người ngợm gì cứ như con nít!”

Chắc không phải chị đang nói tôi, vì tôi đúng là con nít thiệt. Chị nói anh Lam đấy, chị không thích anh ấy mà.

Trên đường quay lại phòng, chúng tôi gặp một chị nhân viên đang dắt một bạn bị trúng độc đi trên hành lang. Chị nhận ra tôi và gọi tôi. Đó là chị Xuân, người hôm trước đã cho tôi kẹo và hỏi tôi viên kẹo có ngon không.

“Hai anh em đang chơi gì thế?” Chị hỏi chúng tôi.

Bên cạnh chị là một bạn có lẽ nhỏ tuổi hơn tôi. Bạn không thể nhìn được nên cần chị dắt đi. Trên mặt bạn, chỗ lẽ ra là đôi mắt lại chỉ thấy có hai tảng thịt bự nổi lên. Nhưng bạn nghe thấy chúng tôi nói chuyện nên cũng nghiêng đầu về phía này.

“Em đang xây nhà ạ. Ngôi nhà của riêng em! Anh Lam đang giúp em đó chị.” Tôi trả lời.

Chị gật gù như đã hiểu, rồi mỉm cười, “Vui quá nhỉ! Khi nào xong em mời các bạn trong Trung tâm ghé chơi nhé.” Chị vỗ vỗ vào vai bạn nhỏ đứng cạnh, “Các bạn chắc sẽ thích lắm!”

Người bạn nhỏ ấy gật đầu với chị và chúng tôi, cùng lúc đó, một dòng nước dãi từ miệng chảy xuống áo bạn. Chị vội rút khăn ra lau cho bạn ấy.

Phải rồi! Khi chúng ta xây một ngôi nhà của riêng mình, chúng ta chính là chủ nhân của căn nhà ấy. Nếu đã có chủ nhà thì tất nhiên phải có những vị khách đến nhà. Tôi phải mời mọi người đến chơi nhà mình khi nó đã hoàn thiện mới được. Bởi vì một ngôi nhà sẽ rất vui khi nó có khách đến chơi. Tôi tin ngôi nhà của mình cũng sẽ rất vui nếu tôi mời nhiều bạn bè đến.

Nhưng chắc là sẽ vất vả lắm, bởi vì làm chủ nhà không dễ dàng chút nào đâu. Làm chủ nhà sẽ có nhiều thứ phải lo lắng.

Tôi phải đãi các bạn ấy món gì, liệu các bạn có thích căn nhà mới xây của tôi không, liệu các bạn có cảm thấy thoải mái khi ở bên trong nó không? Ôi, xây một căn nhà đã cực mà để sống có trách nhiệm với nó lại càng cực hơn. Khi chúng ta có một căn nhà riêng, nghĩa là ta đã có một nơi chốn của riêng ta, ta phải học cách chịu trách nhiệm về nhiều thứ, vì lúc ấy ta đã là chủ nhà rồi.

Làm một người chủ nhà tốt khó lắm. Đó là một trách nhiệm trong thế giới của người lớn, mà bạn biết rồi đấy, những trách nhiệm trong thế giới của người lớn lúc nào cũng khó khăn và phức tạp cả mà.

***

Chắc khi nghe về việc quyết định xây một ngôi nhà vào ngày có gió to, các bạn sẽ cảm thấy nó thật vô lý.

Anh Lam bảo những ngày gió lớn quá thì các thợ xây sẽ không làm việc được đâu. Có lẽ tốt nhất là nên xây nhà vào những ngày bình thường thôi.

Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Xây nhà cũng giống như tìm kiếm một nơi trú ẩn riêng tư, một mảnh đất của riêng mình mà chúng ta sẽ quay về mỗi khi không muốn gặp ai, mỗi khi muốn được là chính mình, mỗi khi cần nghỉ ngơi. Như vậy, ngôi nhà có thể là bất cứ đâu mà bạn cảm thấy thoải mái và bình yên. Nên những ngày trời nổi gió rất phù hợp để chúng ta tìm kiếm “chốn bình yên” cho bản thân mình.

Anh Lam bảo với tôi: “Một ngôi nhà không thể trở thành một ngôi nhà khi chúng ta không cảm thấy được an toàn và bình yên khi sống trong nó, dù có là biệt thự xa hoa cách mấy thì chúng cũng chỉ đơn giản là một cái hộp hay bốn bức tường ghép lại với nhau chứ không phải là nhà. Hay ngược lại, một căn chòi sập xệ được tạo ra từ mền gối, chăn nệm hay gấu bông cũng có thể trở thành một ngôi nhà thực sự khi bạn chọn nó là chốn riêng tư bình yên và hạnh phúc của mình.”

Chúng ta không thể xây một ngôi nhà chỉ với sức lực của bản thân, để làm được điều đó, chúng ta buộc phải cần đến những người khác. Vì thế mà tôi mới cần anh Lam giúp đỡ mình.

Khi chúng ta xây nhà cùng nhau, có lẽ chúng ta đã thân thiết với nhau hơn một chút. Vì mẹ từng nói với tôi, những ngôi nhà được xây lên bằng tình yêu thì mới có thể đứng vững, còn những ngôi nhà chỉ xây lên bằng sự lạnh lùng, vô cảm thì sớm muộn cũng sẽ đổ sập mà thôi.

“Em muốn xây một căn nhà như thế nào?” Anh Lam hỏi tôi trong khi bọc những lớp nilon xung quanh hai cây cột.

Tôi suy nghĩ rồi trả lời anh, “Một căn nhà thoáng mát và nhiều gió ạ.”

“Nhưng chắc có lẽ căn nhà này không thể như thế được rồi.” Anh lắc đầu, “Em muốn xây nhà riêng để không phải ở cùng một phòng với mẹ đúng chứ! Như vậy thì căn nhà của em phải kín lắm, sẽ phải luôn đóng cửa để bảo vệ sự riêng tư của em. Nếu em muốn mở tung hết mọi cánh cửa để gió lùa vào thì sẽ không còn gì ngăn cách giữa em và căn phòng lớn bên ngoài nữa.”

Lúc ấy, tôi chợt nhận ra quả thật mình không thể mơ ước một căn nhà lộng gió trong hoàn cảnh như hiện tại. Muốn một căn nhà lộng gió thì sẽ phải phá bỏ những bức tường, những bức tường là thứ ngăn cách chúng ta với những cơn gió. Nhưng một căn nhà được xây lên với mục đích riêng tư thì bắt buộc phải có những bức tường, không còn cách nào khác. Tôi đành phải chấp nhận sự thật ấy.

Khi đã chắc chắn rằng mình đã trở nên thân thiết hơn với anh Lam, tôi xin anh cho phép mình áp tai lên ngực anh để nghe tiếng của trái tim anh.

Anh Lam hỏi tôi:

“Sao em lại muốn nghe tiếng tim anh làm gì? Em muốn thành bác sĩ à?”

Tôi lắc đầu, “Em muốn làm anh hùng cơ.”

Hình như anh vẫn chưa hiểu ý tôi lắm, nhưng sau đó anh cũng đã gật đầu đồng ý.

Thế là tôi áp tai lên ngực anh. Trái tim anh đập rất mạnh mẽ, có thể nghe rõ ràng từng nhịp, tôi biết rằng trái tim của mỗi người đều có những nhịp điệu riêng. Trong mỗi con người đều có một bản nhạc.

“Sao rồi bác sĩ, trái tim của tôi có khoẻ không?”

Câu hỏi của anh làm tôi bật cười khì khì.

Tôi ngước lên nhìn anh, nói, “Trong mỗi người đều có một bản nhạc khác nhau.”

Anh Lam đồng ý điều đó. Vậy là tôi đã lắng nghe được nhịp tim của một người nữa. Trái tim của anh Lam thật khoẻ mạnh, tràn ngập sự sống. Có lẽ nếu muốn, anh sẽ trở thành một siêu anh hùng đáng ngưỡng mộ lắm, tôi nghĩ vậy.

***

Tối đến, tôi khoe với mẹ ngôi nhà nhỏ của mình.

Đó chỉ là một căn lều được căng lên bằng chiếc chăn cũ của tôi, cùng mền gối và những con thú bông, hai cây cột nhà đã được bọc cẩn thận nên rất an toàn. Chưa kể, anh Lam đã gắn thêm mấy cái chân trụ nhỏ nhỏ cho chúng, nhìn cũng khá chắc chắn.

Mẹ vừa xoa đầu tôi vừa ngắm nhìn thành phẩm ấy. Bà bảo:

“Vậy là con đã có một ngôi nhà riêng rồi, con có thể ngủ trong đó và làm mọi thứ con thích. Như thế chắc con sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều nhỉ!”

Tôi gật đầu với mẹ, “Con sẽ dẫn các bạn ở Trung tâm này đến chơi và bảo với mọi người: Chào mừng các bạn đến ngôi nhà của riêng tôi! Chắc là họ sẽ vui và ngưỡng mộ con lắm.”

Mẹ cảm thấy đó là một ý tưởng tuyệt vời, mẹ thích tôi chia sẻ những gì mình có với mọi người xung quanh.

Đêm hôm ấy, tôi chui vào căn nhà ấm áp và kín đáo của mình, đặt những con gấu bông bên ngoài để làm nhiệm vụ canh gác.

Tôi cảm thấy thật tuyệt vời với thành quả bản thân đã đạt được. Tôi nghĩ về những ngày sắp tới sẽ rủ các bạn trong Trung tâm mà tôi vẫn chưa thân quen lắm đến chơi.

Một lát sau, gần như đã thiu thỉu ngủ, tôi bỗng nghe tiếng khóc của mẹ.

Tôi vén “cảnh cửa” nhìn ra ngoài. Giữa căn phòng tối, tôi thấy mẹ ngồi trên giường và lặng lẽ khóc.

Có lẽ mẹ khóc vì mẹ tưởng tôi đã có nhà riêng rồi nên tôi sẽ không nghe được tiếng bà khóc, những bức tường sẽ tạo ra những không gian riêng tư cho mỗi chúng tôi.

Lúc ấy tôi đã nghĩ, có lẽ mẹ thích được ngủ với mình hơn, nên khi mình chuyển ra “ở riêng” thì mẹ sẽ buồn lắm. Tôi rón rén chui lại vào trong, vờ như không biết gì.

Ngày hôm sau, tôi đã dỡ bỏ căn nhà, trả hai cây cột lại cho bà Bếp. Tôi nghĩ nếu mình ngủ chung với mẹ thì mẹ sẽ không buồn nữa. Tôi nói với mẹ mình chơi chán rồi, tôi vẫn thích ngủ cùng bà hơn.

Tôi vẫn sẽ không từ bỏ kế hoạch mời khách khứa đến chơi nhà. Nhưng chỉ khác là lần này tôi sẽ mời họ đến căn phòng chỉ có một cửa sổ này, nơi tôi sống cùng với mẹ và tạm thời chưa có không gian riêng tư cho cả hai.

Tôi sẽ giới thiệu với họ, sẽ đón mừng họ bằng câu: “Chào mừng các bạn đến ngôi nhà của chúng tôi, của mẹ và tôi!”


Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận